Địa lý Hòa_Bình_(huyện)

Vị trí địa lý

Huyện Hòa Bình nằm ở trung tâm của tỉnh Bạc Liêu, giáp với tất cả các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Bạc Liêu (trừ huyện Hồng Dân), có vị trí địa lý:

Trung tâm của huyện là thị trấn Hòa Bình nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, đây là đầu mối giao thông giữa huyện Hòa Bình với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh. Với lợi thế này, huyện Hòa Bình có điều kiện để phát huy tiềm năng về đất đai cũng như các nguồn lực khác cho phát triển tổng hợp các ngành kinh tế - xã hội như nông, lâm nghiệp, thuỷ hải sản và du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh Bạc Liêu nói chung.

Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Huyện Hòa Bình thuộc miền đồng bằng ven biển. Phần lớn diện tích đất của huyện có độ cao tuyệt đối dưới 1,0 m; nơi có độ cao tuyệt đối thấp nhất là 0,5 m; nơi cao nhất là 2,5 m. Với đặc điểm như vậy đã gây ra hiện tượng xâm nhập mặn từ biển, làm cho phần lớn diện tích của huyện bị nhiễm mặn ở các mức độ khác nhau, nếu không tiến hành lên líp hoặc áp dụng một biện pháp kê đất thì phần lớn diện tích đất của huyện chỉ có thể bố trí các loại cây chịu ngập như: lúa nước, rừng ngập mặn hay thực hiện nuôi trồng thuỷ sản hoặc kết hợp nuôi trồng thuỷ sản với các loại cây nói trên.

Bờ biển

Vùng bờ biển được bồi đắp gặp điển hình ở ven biển thuộc các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh,... Theo các kết quả khảo sát từ năm 1968 đến năm 1998, bờ biển huyện Hòa Bình đã mở rộng từ 0,36 đến 0,73 km.

Khí hậu

Huyện Hòa Bình mang đặc tính khí hậu của vùng bán đảo Cà Mau, chịu ảnh hưởng của chế độ nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, một năm phân chia làm 2 mùa rõ rệt:

  • Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11
  • Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Nhiệt độ

Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26,5 °C, thấp nhất khoảng 18,8 °C, cao nhất khoảng 36 °C.

Thuỷ văn

Huyện Hòa Bình có hệ thống kênh rạch chằng chịt với kênh trục chính là Bạc Liêu - Cà Mau. Chế độ thuỷ văn của hệ thống kênh rạch trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng giao thoa của thuỷ triều biển Đông, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ văn của các sông khá phức tạp.

Thuỷ triều biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến vùng Nam Quốc lộ 1A của huyện là chế độ bán nhật triều không đều, biên độ triều và chênh lệch đỉnh triều lớn (30 – 40 cm). Trong một tháng có 2 lần nước cường, tốc độ truyền triều khoảng 15 km/h. Do kênh rạch có hệ số nhám lớn nên khi truyền vào nội đồng biên độ triều giảm khoảng 2 cm/km.

Hàng năm trên địa bàn huyện còn chịu ảnh hưởng của nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu. Mùa khô hiện tượng xâm nhập sâu hơn tương ứng với sự tăng mực nước biển.

Chế độ thuỷ văn cũng ảnh hưởng khá rõ đến chế độ nước của các kênh rạch thông qua hệ thống công trình dẫn ngọt. Nguồn nước từ các kênh mang hàm lượng phù sa lớn, nhất là vào mùa lũ (đạt 1,4 kg/m³ khi nước lên, 1,2 kg/m³ khi nước xuống). Lượng phù sa của các kênh đổ ra biển qua kênh Chùa Phật… hàng năm bồi lấn ra biển khoảng 30 – 40 m.

Tuy nhiên hàm lượng phù sa lớn cùng với các hiện tượng giáp nước, dâng nước làm bồi lắng các kênh rạch đòi hỏi phải nạo vét thường xuyên. Huyện Hòa Bình có hệ thống kênh rạch chằng chịt với kênh trục chính là Bạc Liêu - Cà Mau. Chế độ thuỷ văn của hệ thống kênh rạch trên địa bàn chịu ảnh hưởng giao thoa của thuỷ triều biển Đông, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của chế độ thuỷ văn của các sông khá phức tạp.

Thuỷ triều biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến vùng Nam quốc lộ 1A của huyện là chế độ bán nhật triều không đều, biên độ triều và chênh lệch đỉnh triều lớn (30 – 40 cm). Trong một tháng có 2 lần nước cường, tốc độ truyền triều khoảng 15 km/h. Do kênh rạch có hệ số nhám lớn nên khi truyền vào nội đồng biên độ triều giảm khoảng 2 cm/km.

Hàng năm trên địa bàn huyện còn chịu ảnh hưởng của nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu. Mùa khô hiện tượng xâm nhập sâu hơn tương ứng với sự tăng mực nước biển.

Chế độ thuỷ văn cũng ảnh hưởng khá rõ đến chế độ nước của các kênh rạch thông qua hệ thống công trình dẫn ngọt. Nguồn nước từ các kênh mang hàm lượng phù sa lớn, nhất là vào mùa lũ (đạt 1,4 kg/m³ khi nước lên, 1,2 kg/m³ khi nước xuống). Lượng phù sa của các kênh đổ ra biển qua kênh Chùa Phật… hàng năm bồi lấn ra biển khoảng 30 – 40 m. Tuy nhiên hàm lượng phù sa lớn cùng với các hiện tượng giáp nước, dâng nước làm bồi lắng các kênh rạch đòi hỏi phải nạo vét thường xuyên.

Các nguồn tài nguyên

Tài nguyên đất

Hệ thống phân loại phát sinh, tài nguyên đất huyện Hòa Bình gồm các nhóm đất sau:

  • Nhóm đất cát: Có diện tích 11.36 ha, chiếm 0,03% tổng diện tích tự nhiên của huyện, phân bố dọc theo bờ biển trên địa bàn các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A,... Đất cát có yếu tố hạn chế là thành phần cơ giới nhẹ, tỷ lệ cát cao, mùn, đạm và các chất dinh dưỡng nghèo, khả năng giữ nước kém, tuy nhiên đất tương đối tơi xốp, dễ thoát nước, không bị nhiễm mặn và có địa hình cao. Loại đất này đã được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp từ lâu, chủ yếu là các loại cây trồng hàng năm như: lạc, các loại đậu đỗ, ngô, một số loại rau, hành tía và trồng nhãn. Trong quá trình canh tác trên đất cát cần chú ý bón đủ phân tuỳ thuộc vào cây trồng, đặc biệt là phải chủ động nguồn nước tưới.
  • Nhóm đất mặn: Tổng diện tích đất mặn trong toàn huyện là 19.024,7 ha, chiếm 46,14% diện tích tự nhiên toàn huyện. Đất mặn phân bố chủ yếu ở phía Nam Quốc lộ 1A và một phần đất mặn ít dọc theo phía Bắc Quốc lộ 1A. Đất mặn được hình thành và phát triển trên các trầm tích biển, sông biển hỗn hợp và trầm tích biển - đầm lầy, tuổi Holocence. Đất chịu ảnh hưởng mặn của nước biển do thủy triều hoặc do mao dẫn đưa muối từ các tầng đất phía dưới lên bề mặt. Trên địa bàn huyện, đất mặn được phân chia ra các đơn vị đất sau:
    • Đất mặn nặng (Mn): có diện tích 972,16 ha, chiếm 2,25% tổng diện tích tự nhiên, phân bố sau đê biển ở các xã ven biển gồm Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh. Đất bị mặn thời kỳ dài trong năm với độ mặn cao do thủy triều hoặc do đưa nước mặn vào làm muối. Ngoài đặc điểm độ mặn cao thì các tính chất lý hóa học của loại đất này đều ở mức trung bình đến trung bình khá. Những hạn chế cho bố trí sử dụng đất nông nghiệp chủ yếu là phân bố ở những khu vực còn chịu ảnh hưởng của thủy triều mặn và khan hiếm về nguồn nước ngọt. Diện tích đất mặn nặng hiện đang được sử dụng để nuôi tôm, phần còn lại là rừng tự nhiên hoặc rừng trồng mà phần lớn nằm trong vành đai rừng phòng hộ ven biển. Đây là một loại đất khá thích hợp cho nuôi tôm nước mặn, như vậy, ngoài khu vực rừng phòng hộ ven biển ra, nên bố trí cho nuôi tôm hoặc kết hợp mô hình tôm - rừng; ở những khu vực sâu trong nội đồng nếu có điều kiện ngăn mặn, ngọt hóa, đất cũng thích hợp cho chuyên canh lúa hoặc lúa - cá.
    • Đất mặn trung bình (M): có diện tích 1.772,99 ha, chiếm 43% tổng diện tích tự nhiên, phân bố ở nơi có địa hình thấp ven sông, rạch. Đất thường bị ảnh hưởng mặn ngầm và mặn trên mặt vào mùa khô. Tầng đất mặt có hàm lượng muối cao vào mùa khô, do bốc hơi đưa muối lên các tầng gần mặt đất. Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất: chất hữu cơ biến động từ trung bình đến giàu, OM lớp tầng đất mặt > 3,0%, lân dễ tiêu trong đất nghèo, đạm thủy phân cũng biến động từ nghèo đến trung bình. Tổng số muối tan trong đất biến động từ 0,5 - 0,6%. Đất có dung tích trao đổi biến động từ trung bình đến cao, CEC > 15 ldl/100g đất. Trong thành phần cation trao đổi hàm lượng Mg2+ > Ca2+. Đất mặn trung bình có nền đất cứng, ổn định, nhiễm mặn trung bình vào mùa khô. Tầng đất mặt ảnh hưởng mặn đã được giảm đáng kể do hệ thống đê bao ngăn mặn và được rửa mặn vào mùa mưa, do đó vẫn thích hợp cho canh tác các loại cây trồng nông nghiệp, nhất là vào mùa mưa. Trong canh tác nông nghiệp ở đất mặn trung bình, cần chú ý đến các biện pháp tăng cường ngăn mặn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai lũ lụt làm nước mặn có thể tràn vào đồng ruộng gây chết cây trồng.
    • Đất mặn ít (Mi): có diện tích 12.432,24 ha chiếm 30,15% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện, tập trung nhiều ở thị trấn Hòa Bình, xã Vĩnh Mỹ A,... Hàm lượng dinh dưỡng trong đất khá, chỉ bị nhiễm mặn vào mùa khô trong thời gian ngắn, nên thích hợp cho cach tác nông nghiệp với các cây trồng như: lúa và rau màu các loại. Tổng số muối tan trong đất thấp, biến động từ 0,2 đến 0,4%, Cl- < 0,15%, dung tích hấp thụ đất biến động từ trung bình đến cao. Trong thành phần của cation trao đổi hàm lượng Mg2+ > Ca2+.
  • Nhóm đất phèn: Có diện tích 11.470,47 ha, chiếm 27,8% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Nhìn chung, đất phèn có hàm lượng lưu huỳnh tổng số rất cao, được xác định có tầng chẩn đoán vật liệu sinh phèn với pH < 3,5 và có hàm lượng S > 0,75% và thường được chia theo độ sâu khác nhau. Đất phèn của huyện được chia ra thành các loại như sau:
    • Đất phèn tiềm tàng (Sp): có diện tích 5.415,42 ha, chiếm 13,1% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện gồm:
      • Đất phèn tiềm tàng - mặn thường xuyên dưới rừng ngập mặn và đất phèn tiềm tàng - mặn nặng chịu ảnh hưởng của cả hai yếu tố phèn và mặn nặng, nên không có khả năng canh tác nông nghiệp. Hướng sử dụng đất chủ yếu là tập trung cho nuôi trồng thủy sản, trồng rừng phòng hộ và làm muối.
      • Đất phèn tiềm tàng - mặn trung bình tập trung chủ yếu ở phần ven biển của huyện, đất có độ phì tiềm tàng khá cao. Đất bị nhiễm mặn không nặng, tính chất vật lý của đất đã tương đối thuần thục và phát triển xuống sâu, nền đất khá ổn định nên thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp trong sử dụng đất cho mục đích trồng trọt nông nghiệp. Hướng sử dụng thích hợp là tiếp tục canh tác các loại cây trồng nông nghiệp (đặc biệt là lúa 1 vụ mùa mưa), hoặc nuôi trồng thủy sản nước lợ.
      • Đất phèn tiềm tàng - mặn ít: có độ phì khá, tầng mặt đất thường giàu hữu cơ, mức độ nhiễm mặn ít, nên thích hợp cho canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước lợ. Tuy nhiên đất này phân bố ở địa hình thấp trũng và sâu trong nội địa do đó dễ bị ảnh hưởng bởi nước chua phèn trong kênh rạch từ các nơi khác dồn xuống. Vì vậy, trong canh tác nông nghiệp đòi hỏi điều kiện đủ nước ngọt tưới vào mùa khô và tiêu thoát nước phèn nhanh vào đầu mùa mưa.
    • Đất phèn hoạt động (Sj): có diện tích 2.140,36 ha, chiếm 5,19% diện tích tự nhiên toàn huyện. Do hệ thống đê bao ngăn mặn và kênh tưới tiêu nội đồng được phát triển tốt trong những năm qua nên mức độ ảnh hưởng mặn đối với đất phèn hoạt động đã giảm đáng kể, nhiều khu vực đã thoát khỏi ảnh hưởng của mặn. Tuy nhiên, trong khi các yếu tố mặn giảm xuống thì độc tố phèn là một hạn chế lớn đối với cây trồng canh tác trên loại đất này. Hướng sử dụng thích hợp là canh tác nông nghiệp, trồng các loại cây ngắn ngày chịu phèn như khóm, mía… và các loại rau màu khác, có thể kết hợp với nuôi thủy sản nước ngọt và nước lợ. Trong cải tạo đất cần chú ý đến độ sâu xuất hiện của tầng phèn kết hợp với các biện pháp cải tạo đất phù hợp để tránh đưa tầng sinh phèn lên trên mặt đất, gây độc cho cây trồng. Tiêu phèn và tưới đủ nước ngọt là biện pháp hữu hiệu nhất để cải tạo đất này.

Tài nguyên nước

  • Nguồn nước mặt: nguồn nước được dẫn qua hệ thống kênh, rạch và các công trình ngọt hoá khép kín là nguồn nước mặt ngọt duy nhất phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Mặt khác hệ thống các công trình trong vùng ngọt hoá của tỉnh Bạc Liêu nói chung và huyện Hòa Bình nói riêng chưa khép kín, các công trình ngăn mặn chưa hoàn chỉnh vì vậy khó khăn cho việc giữ ngọt ổn định. Chất lượng nước mặt (kênh, rạch, ao, hồ) cũng diễn biến theo mùa. Khu vực phía Nam Quốc lộ 1A do chịu tác động trực tiếp của thuỷ triều biển Đông nên dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn gây nhiễm mặn nguồn nước mặt khu vực ven biển hầu như quanh năm. Ngoài ra lượng mưa hàng năm là nguồn nước ngọt chính rất quan trọng trong ngọt hoá diện tích đất nông nghiệp và phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Do ảnh sự gia tăng nhiệt độ và ảnh hưởng của mực nước biển dâng, hệ sinh thái nước lợ có thể bị xáo trộn do diện tích biên lũ mở rộng về phía Nam. Hệ quả này còn nặng nề hơn nếu xem xét hoạt động xuyên biên giới do các hoạt động khai thác nước ở các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ là mối đe dọa tới mực nước và dòng chảy của các sông trong khu vực nói chung và huyện Hòa Bình nói riêng.
  • Nguồn nước ngầm: nguồn nước ngầm tầng nông nằm sát mặt đất được bổ sung bằng nước mưa và lượng nước từ kênh rạch. Mực thuỷ cấp của nguồn nước này thay đổi tuỳ theo mùa. Mùa mưa mực nước cách mặt đất từ 0,5 - 1,0 m, mùa khô mực nước hạ thấp xuống 1 – 3 m. Nguồn nước ngầm tầng nông thường bị nhiễm mặn, phèn do vậy không thể sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt. Về mùa khô nước được chuyển lên mặt đất bằng các mao dẫn mang theo muối và các chất gây độc không có lợi cho cây trồng (hiện tượng xổ phèn). Nguồn nước ngầm ở tầng sâu khá phong phú với trữ lượng lớn, chất lượng khá tốt. Có 4 tầng nước ngầm có thể khai thác nằm ở độ sâu khoảng từ 80 – 500 m trong địa bàn huyện. Hiện tại tầng nước được khai thác và sử dụng nhiều có độ sâu trung bình 80 – 100 m. Trữ lượng khai thác có thể đạt 3,68 triệu m³/ngày. Tuy nhiên việc khai thác nước ngầm chưa được quản lý một cách đúng mức, cần phải có những biện pháp quản lý giám sát để bảo vệ nguồn nước.

Tài nguyên rừng

Năm 2014, huyện Hòa Bình có 1.743,16 ha đất rừng phòng hộ, chiếm 4,09% diện tích tự nhiên và bằng 5,52% diện tích đất nông nghiệp. Diện tích rừng phòng hộ ven biển phân bố tập trung tại các xã Vĩnh Thịnh 1.066,82 ha, Vĩnh Hậu 401,36 ha và Vĩnh Hậu A 274,98 ha. Đất rừng của huyện có giá trị phòng hộ che chắn gió, bão, sóng biển, điều hoà khí hậu, cân bằng môi trường sinh thái, bồi tụ, lắng đọng phù sa phục vụ cho lấn biển, mở rộng diện tích, nơi cư trú, sinh trưởng của các loại hải sản và giữ vai trò quan trọng trong công tác an ninh quốc phòng. Thành phần thực vật chiếm ưu thế là đước, mắm, vẹt. Về động vật còn có các loại chim, bò sát, ếch nhái, tôm cá nước mặn. Nhìn chung, đất rừng của huyện với thảm thực vật hiện có đã góp phần cố định và tạo điều kiện bồi đắp lớp phủ thổ nhưỡng trên địa bàn huyện, đồng thời là tác nhân quan trọng trong quá trình hình thành các bãi bồi ven biển.

Tài nguyên biển

Huyện có hơn 20 km bờ biển với vùng lãnh hải và thềm lục địa, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Tài nguyên biển phong phú cung cấp nguồn lợi hải sản, cảnh quan môi trường. Đây là vùng biển có lượng hải sản lớn, phong phú về chủng loại có trữ lượng lớn và có giá trị kinh tế cao. Khu vực nước lợ ven biển tạo thành vùng sinh thái đặc thù phong phú có tiềm năng cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, với các cửa biển Chùa Phật, Cái Cùng có thể phát triển các tuyến giao thông vận tải, đường thủy và du lịch, là điều kiện thuận lợi để huyện trở thành một khu vực kinh tế toàn diện.

Tài nguyên nhân văn

Lịch sử hình thành vùng đất và con người huyện Hòa Bình gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của các dân tộc tỉnh Bạc Liêu và Đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn huyện hiện có các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và nhiều dân tộc khác sinh sống. Hơn 300 năm lấn biển khai hoang, mở đất chống chọi với thiên nhiên, đánh đuổi giặc ngoại xâm đã tạo cho con người Hòa Bình đặc tính đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, không chịu khuất phục trước thiên nhiên, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu. Ngày nay, trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân huyện Hòa Bình luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội. Kế thừa những thành quả đã đạt được, tranh thủ thời cơ, phát huy truyền thống vốn có, cùng với cả nước và tỉnh Bạc Liêu, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu xây dựng huyện trở thành Huyện nông thôn mới. Nền văn hoá ở Hòa Bình mang đậm bản sắc văn hoá vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Kinh, Hoa, Khmer nên nền văn hoá mang những nét đặc sắc riêng của từng dân tộc. Tuy mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng nhưng bao đời nay vẫn sống hoà thuận, đoàn kết, hội nhập vào cộng đồng chung và đã cùng nhau tạo nên một bản sắc văn hoá độc đáo. Nét văn hoá đờn ca tài tử đã thấm sâu vào lòng người, được nhân dân trong và ngoài nước biết đến. Đờn ca tài tử luôn được trau dồi, rèn giũa và gìn giữ như một nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt văn hoá của nhân dân vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực trạng môi trường

Môi trường sinh thái của huyện cơ bản mang sắc thái tự nhiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những nét đặc trưng của điều kiện tự nhiên chi phối tới vấn đề môi trường sinh thái của huyện là:

  • Đất phèn và đất mặn chiếm ưu thế, hiện tượng xâm nhập mặn ở khắp

huyện với mức độ khác nhau đối với từng tiểu vùng. Xa nguồn nước ngọt, nước mưa là nguồn nước ngọt chính. Do những đặc trưng trên đã tạo ra các hệ sinh thái khá nhạy cảm với những tác động về môi trường. Trong những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã tăng nhanh nhưng các mô hình đa canh, xen canh, luân canh chưa được khẳng định. Vì thế bên cạnh những thành tựu kinh tế đạt được việc sử dụng các nguồn tài nguyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại không nhỏ về môi trường. Bên cạnh đó sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hoá cũng có tác động tới môi trường.

  • Môi trường nước ở các kênh, rạch đang tiếp tục bị ô nhiễm do nước thải, rác thải sinh hoạt, sản xuất từ các ao nuôi tôm, chuồng trại chăn nuôi đổ xuống. Các chất thải từ nuôi trồng thủy sản, lượng vôi bột làm vệ sinh vuông tôm đã làm cho môi trường đất, nước trên các kênh, rạch và môi trường không khí ít nhiều bị ô nhiễm ở những mức độ khác nhau. Từ những vấn đề nêu trên, trong thời gian tới cùng với quá trình khai thác nguồn lợi một cách tối đa để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống thì việc tái tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường phát triển bền vững là vô cùng cần thiết.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hòa_Bình_(huyện) //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://hoabinh.baclieu.gov.vn/ http://hoabinh.baclieu.gov.vn/tintuc/default.aspx?... http://www.gso.gov.vn/phuong-phap-thong-ke/danh-mu... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Q... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Q... https://baclieu.gov.vn/documents/20121/0/K%E1%BA%B... https://www.cucthongkebaclieu.gov.vn/TapTin/NoiDun... https://www.cucthongkebaclieu.gov.vn/web/viewer.ht...